Song, việc sửa đổi luật kinh doanh bất động sản cũng cần cân nhắc điều chỉnh một số điều để tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động.
Cụ thể, khoản 1, điều 8 của dự thảo luật kinh doanh bất động sản có quy định, tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, có vốn pháp định do chính phủ quy định nhưng không được thấp hơn 50 tỷ đồng và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) tán thành với việc nâng cao điều kiện để tổ chức, cá nhân được kinh doanh bất động sản. Quy định này sẽ hạn chế những chủ thể kinh doanh bất động sản có năng lực tài chính yếu, tham gia thị trường có tính chất manh mún.
Cần nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, quy định về vốn pháp định số vốn pháp định 50 tỷ đồng là khá cao, gần gấp 9 lần so với quy định hiện hành là 6 tỷ đồng. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản có số vốn 6 tỷ đồng. Vì họ sẽ phải bổ sung một lượng vốn không nhỏ để đủ điều kiện hoạt động. Hơn nữa, với các loại dự án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất, công năng mục đích đầu tư cũng như tổng mức đầu tư thì việc ấn định vốn pháp định 50 tỷ đồng vô tình đã khống chế quyền tự do chọn mô hình kinh doanh của nhà đầu tư.
Ban soạn thảo nên xem xét, điều chỉnh mức vốn pháp định giảm xuống không thấp hơn 20 tỷ đồng và Chính phủ quy định cụ thể mức vốn pháp định tại từng thời kỳ sẽ phù hợp hơn trên thực tế, đại biểu Nguyễn Minh Quang cho ý kiến.
Đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng, luật kinh doanh bất động sản cần cụ thể hơn về quy định góp vốn của người dân cũng như các quy định về môi giới bất động sản.
Người dân góp vào để mua một căn hộ, để xây một căn nhà thì việc góp bao nhiêu và góp như thế nào nên để người dân tự quyết định. Nhà nước chỉ cần quy định một điểm, tiền đó gửi tại một ngân hàng và quy định rõ ngân hàng chỉ được chuyển tiền thanh toán cho chính công trình đó, nếu chuyển chỗ khác tức là lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân.
Thảo luận về phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các đại biểu cho rằng, quy định cho phép tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp với Luật Đất đai 2013.
Trong Luật Đất đai không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này trong dự thảo luật để phù hợp với Luật Đất đai 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét